Một nghề mới xuất hiện trên biển: Nghề câu mực ban ngày. Thoạt nghe có chút nghi ngờ, vì ai cũng biết hàng trăm năm nay câu mực chỉ có chong đèn ban đêm chứ làm gì có chuyện câu mực ban ngày! Ấy vậy mà nghề này đã xuất hiện ở Phú Quý…
Phú Quý là một huyện đảo cách đất liền 54 hải lý, dân ở đây sống bằng nghề đánh bắt hải sản và làm rẫy, chăn nuôi. Song chủ yếu là nghề hải sản, lượng tàu thuyền trên đảo gần 1.000 chiếc trong đó gần 50% là thuyền công suất nhỏ. Dù sóng gió con tàu cũng đã cặp cảng Triều Dương khoảng 5 giờ sáng. Qua tìm hiểu và được giới thiệu tôi đã gặp ông Nguyễn Thanh Hường thôn 2, xã Ngũ Phụng (xóm Bãi Lăng) người đầu tiên áp dụng kỹ thuật câu mực ban ngày ở đảo Phú Quý. Khi tôi hỏi có phải ngẫu nhiên mà anh phát hiện con mực có thể câu ngày? Anh nói: Phải, vào những năm 1990, khi con cá mú đỏ sống được mua với giá rất cao so với các loại cá khác, ngư dân địa phương đổ xô khai thác loại cá ở ngư trường xung quanh đảo Phú Quý và quần đảo Trường Sa. Thấy nghề câu năng suất thấp nên chúng tôi nghĩ ra nghề bủa phao rồi thả trôi theo nước sẽ cho năng suất cao hơn, vì mỗi thuyền thả được trên 30 phao, phạm vi nhử mồi lớn hơn. Trong khi thả trôi, ngoài cá mú đỏ còn có nhiều loại ăn câu khác như: Trong rạn thì có các loại cá sọ dừa, bớp, quỵt, mực nang, mực lá… Ngoài rạn thì có các loại mực, cá thu…những con cá thì dính lưỡi câu, nhưng mực chỉ kéo lên để vớt bắt và tôi đã áp dụng phối hợp với nghề câu mực bằng mồi truyền thống để khai thác và đạt hiệu quả. Như vậy câu mực ngày là nghề kết hợp của bủa cá mú đỏ và nghề câu mực bằng mồi truyền thống.
Hiệu quả của một chuyến biển
Khuya hôm sau tôi theo thuyền anh Trần Văn An thôn 2, xã Ngũ Phụng ra biển, anh được giới thiệu là một trong số ngư dân ăn nên làm ra của nghề câu mực ban ngày, có thu nhập khá. Chiếc thuyền 14CV với hai lao động và tôi là thành viên thứ ba cứ lao đi trong tiếng máy nổ đều, trời hôm nay gió nhẹ hơn nên biển cũng bớt sóng. Bỗng anh hỏi tôi: Nhà báo có say sóng không? Không, dân Bình Thuận mà. Anh cười chất phác như bản tính vốn có của người dân biển. Qua tìm hiểu tôi được biết phương tiện làm nghề này lúc đầu là những xuồng bướm truyền thống được gắn động cơ cỡ nhỏ D.6, D.8, do đặc điểm của ngư trường đảo Phú Quý cách bờ chưa đến một hải lý trở ra là đã bủa được mực cho nên không cần phải thuyền lớn. Ngư cụ gồm một ống phao lưới, 50 sải cước hoặc dây PE nhỏ (loại đan lưới giã kéo), 0,1kg chỉ ống, 1 lưỡi câu để móc mồi, 1 rường cho mỗi đường câu, mỗi thuyền có từ 30 – 50 đường câu. Sau này do phát triển ngành nghề ngư dân đóng mới, gắn máy lớn hơn và cũng trang bị nhiều hơn từ 100 – 150 đường câu/thuyền. Ngoài ra, hầu hết các thuyền đều trang bị định vị vệ tinh, tổng số vốn đầu tư ban đầu khoảng 50 triệu đồng. Có thuyền nào 4 lao động không? Không, rất ít thuyền có 3 lao động, phổ biến cho nghề này là từ 1 – 2 lao động. Ngoài những người lao động trong độ tuổi, họ còn huy động cả con em chưa đến tuổi lao động tham gia sản xuất khép kín trong đơn vị hộ gia đình. Bỗng anh An ra hiệu cho bé Hai con trai lớn trong gia đình cho thuyền chạy chậm lại và bắt đầu thả câu, lúc này là 5 giờ 15. Thường thì bủa câu lúc mấy giờ? Thời gian hoạt động tùy vào sự xuất hiện của đàn mực, chúng tôi tính toán xuất bến lúc nào để đến ngư trường khoảng 5 – 5 giờ 30 kịp bủa lúc sáng. Sau một giờ thả câu thuyền quay lại thăm câu, những con mực dính câu được đưa lên, tôi quan sát con mồi đúng là đã được cải tiến, dùng mồi bằng những con tôm làm bằng gỗ hoặc nhựa quấn vải màu, phía đuôi có chùm lưỡi câu tua tủa, mực đến bắt mồi là dính lưỡi câu ngay. Sau hai lần bủa câu thuyền quay về cập bến lúc 14 giờ 30. Anh An cho biết: Các thuyền câu mực thường mỗi ngày bủa từ 1-3 lần và về đến bến bán sản phẩm từ 14 giờ 30 – 16 giờ có lúc trễ hơn 17 – 18 giờ. Như vậy, thời gian lao động thực tế trên thuyền bình quân 14 giờ/ngày. Thậm chí nhiều lúc lên đến 18 giờ/ngày. Phạm vi hoạt động của nghề này chủ yếu phía Nam và Tây bắc đảo Phú Quý, bán kính hoạt động tính từ bờ khoảng 15 hải lý có lúc lên đến 30 hải lý tùy theo sự phát hiện đàn mực. Kết quả hôm nay có lãi không? có chứ! Hôm nay chưa ngon lắm nhưng để tôi tính cho anh xem, 15 lít dầu cho ngư trường cách đảo 15 hải lý, 0,7 lít nhớt, chi phí ăn uống, chi phí sản xuất (mồi, chỉ, câu…) tất cả là 146.000 đồng. Sản phẩm câu được: mực ống loại I được 3kg, loại II 2kg, 1kg mực lá, tất cả bán được 450.000 đồng, như vậy hôm nay gia đình tôi kiếm được 329.000 đồng, đi làm thuê cho nghề khác làm gì có được.