Posted by on Feb 26, 2014 in Nghề câu mực | Comments Off on Nghề câu mực – hiểm họa khôn lường

Nghề câu mực – hiểm họa khôn lường

Nghề câu mực – hiểm họa khôn lường

Nghề câu mực xuất phát từ đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), ngư dân QN-ĐN (trước đây) đã nhanh chóng học được nghề và đến năm 1990, nghề câu mực phát triển mạnh ở 2 phường Thanh Lộc Đán và Xuân Hà (Đà Nẵng). Trong 206 tàu thuộc 2 phường thì đã có 134 tàu đi câu mực, còn lại làm nghề giã cào và lưới cản. Tàu làm nghề câu mực là loại tàu có công suất 60 CV trở lên, mỗi chuyến đi câu mực kéo dài từ 30-50 ngày, sản lượng bình quân từ 6-10 tấn mực khô. Tùy theo thời vụ và điều kiện cung cầu của thị trường, giá mực dao động từ 15-25 ngàn đồng/kg và tùy theo tàu lớn, nhỏ, số lao động trên tàu xê dịch từ 16-20 người. Nhưng để câu được mực, tàu phải ra đến hải phận Quốc tế và thông thường, từ tháng 12/9 (âm lịch) là thời gian hoạt động thuận lợi nhất cho nghề câu mực. Lại nữa, nếu trời không mưa, nghề này có thể làm quanh năm. Song, những gian khó vẫn không cùng.

Câu mực đêm ngoài khơi

Câu mực đêm ngoài khơi

Cứ khoảng 17h, các tàu bắt đầu thả các thúng – với 1 người trên mỗi thúng – thành một hàng ngang trên biển và mỗi thúng cách nhau khoảng 5 mét. Theo quy định, các thúng phải cố định vị trí để tránh tình trạng tranh giành khi câu mực. Hơn nữa, quy định này còn giúp trên tàu dễ quan sát đèn tín hiệu cắm trên thúng, kịp thời phát hiện nếu có thúng bị trôi. Đến 5h, tàu sẽ vớt người cùng với mực đã câu được trong đêm. Sau khi lên tàu, mỗi người tự xẻ mực của mình đã câu được để phơi khô. Khoảng 11-13h là khoảng thời gian để mọi người ăn cơm, tắm giặt và nghỉ ngơi, sau đó lại phải trở mực và sửa chữa, chuẩn bị đồ nghề câu. Đến 16-17h, sau khi ăn cơm, tất cả lại chuẩn bị xuống thúng để câu mực. Và công việc cứ như thế, trong mỗi chuyến biển từ 30-50 ngày…

Nhưng những khó nhọc như thế vẫn chưa hẳn đã tận cùng nếu biết rằng, trên mỗi thúng, người đi câu chỉ được trang bị một cái dầm, một bình điện 12 volt, 4 cái rườn dùng để câu mực, 2 ống dây cước loại mảnh, một đèn pin, 2 đèn nháy (một đèn được treo thòng từ thúng xuống cách mặt nước 20cm và một đèn thả xuống nước khoảng một mét) dùng để nhử, mực bắt gặp ánh sáng sẽ bơi đến ăn mồi. Cần nói thêm, trước đây, ngư dân đảo Lý Sơn dùng đèn dầu bấc to để nhử nhưng do ánh đèn yếu nên mực không ăn mồi nhiều. Sau đó, ngư dân Thanh Lộc Đán và Xuân Hà đã dùng đèn điện để câu và sản lượng mực đã tăng gấp bội. Làm việc trong điều kiện một mình một thúng, chơ vơ trên biển, mặc cho sóng gió, mưa bão quất vào người liên tục, người đi câu chăm chăm nhìn vào một điểm để canh mồi, đèn chỉ đủ để tạo thành một quầng sáng nhỏ trên mặt biển, cả người lẫn thúng như bị biển đen nuốt chửng. Suốt đêm không ngơi nghỉ, người đi câu luôn như bị mộng du…